NỖI LÒNG TỪ CUỘC BỂ DÂU
Theo nhà Phật mọi hiện tượng tự nhiên, thiên nhiên trong vũ trụ đều đi theo con đường của Nhân – Quả. Để có được mặt trời phải trả giá bằng hoàng hôn. Đó là chân lý bất di bất dịch. Hòa bình là niềm mơ ước của bao người tuy nhiên để có được nền hòa bình đó thì chúng ta đã phải trả một giá bằng máu, xương, nước mắt, và sinh mạng của biết bao người. Thơ ngoài chức năng thẩm mỹ, nó còn mang trên mình nó một chức năng khác là giáo dục, định hướng, điều này lý giải vì sao có người chỉ nghe một câu kệ, một ý thơ là giác ngộ. Không biết
Xuân Diệu đã giác ngộ được những ý chỉ gì từ Phật giáo nhưng nếu như được chứng kiến cảnh cứ mỗi dịp thi cử, mỗi dịp xuân về, hội hè đình đám, hay rằm tháng bảy.. thì lũ lượt từng đoàn người "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" [5] đến cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức, cầu lương duyên tốt đẹp.. dựa trên những yếu tố không phải tự thân thì chắc hẳn
Xuân Diệu sẽ mỉm cười hài lòng khi những vần thơ mà mình viết ra năm xưa đã chẩn trị đúng "bệnh" của chúng sinh thời hiện đại. Và như thế dù muốn hay không muốn
Xuân Diệu cũng đã phần nào lãnh ngộ được đại ý của Phật Pháp khi biết rằng cái mà Đức Phật hay bất cứ một vị thần linh nào cho chúng sinh không phải là những cái mà chúng sinh cầu cạnh, van xin. Vì cơ chế xin – cho phải gồm hai đối tượng người đi xin và kẻ cho; xin không được gây oán hờn, cho không đúng gây trách cứ và như vậy những nỗi khổ về cơ chế "xin không phải chỗ" của chúng sinh cứ mãi chất chồng:
"Đường êm quá ai đi mà nhớ, ngó
Đến khi hay gai nhọn đã vào xương
Vì thả lòng không kiềm chế giây cương
Người ta khổ vì lui không được nữa"
Biết bao bậc công hầu khanh tướng, biết bao nữ tú, nam thanh chỉ vì một phút nông nổi nghĩ suy, chỉ vì một giây không định hướng đã tự bế mạc cuộc đời mình. Ai mà không biết tác hại của Nàng tiên nâu, ai mà không thuộc lòng khẩu hiệu "ma túy đừng thử dù chỉ một lần", ai mà không biết những cám dỗ chết người của lợi, danh, tài, sắc, thế nhưng mãnh lực của nó quá lớn, sự hấp dẫn của nó quá ngọt ngào, vi tế và thế là người ta vẫn cứ lao theo nó như lao xuống vực sâu. Chỉ khi chợt giật mình tỉnh mộng, biết được những hư danh phù phiếm chỉ là bọt biển, sóng xô thì lúc đó đã quá muộn màng không thể trở lui được nữa. Và như thế, cuộc hành trình chỉ đơn độc còn lại con người phải loay hoay, vác mang những nỗi khổ; khổ về sự hối hận muộn màng, sự ăn năn tiếc nuối đến khôn nguôi.
Thơ của
Xuân Diệu là thế đấy luôn nói hộ nỗi lòng của chúng sinh trong cuộc bể dâu. Vì tài năng của mình mà bao người được vinh danh, nhưng cũng vì tài năng của mình mà bao người bị lôi vào những âm mưu đen tối mà chính bản thân họ không hề đoán định. Người đời chỉ biết nguyền rủa họ, lên án họ xong lại chẳng thể biết được rằng bản thân họ cũng rất khổ "khổ vì lui không được nữa".
Xuân Diệu bằng mỹ cảm của người say thơ nhưng lại bằng cảm nhận của con tim trần thế đã khắc họa một cách tài tình những góc khuất nhất của tâm lý con người. Ranh giới giữa cái thiện và cái ác qua mong manh. Khi tâm chúng ta chưa đủ lớn để bao dung và tha thứ cho những lỗi lầm thì con người vẫn cứ phải gánh chịu thêm nhiều nỗi khổ, nỗi khổ về lòng mong cầu không được toại ý, khổ về ước mơ mãi chỉ là ước mơ chưa bao giờ thành sự thật:
"Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa,
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy.
Muôn nghìn đời tìm cớ dõi sương mây
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất
Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào
Rồi bị thương người ta giữ gươm đao
Không muốn chữa, không chịu lành thú độc."
Thật không hổ danh là ông hoàng thơ tình. Những rung động tâm lý, những mảnh vỡ hoàn hảo chất chứa từ nỗi lòng của những kẻ đang yêu đã được
Xuân Diệu khéo léo lồng ghép khiến nó trở nên khắc khoải đến nao lòng. Nỗi khổ dai dẳng nhất của loài người là nỗi khổ bởi tư tưởng chấp thủ. Vì chấp thủ mong muốn mọi vật, mọi việc phải tuân theo ý mình, là cái của mình mà loài người đã không hề run tay khi cố công nhào nặn, biến tấu thế giới vật chất hữu hình và cả thế giới tình cảm vô tình lên bàn cân một cách không hề thương xót. Cũng bởi hy vọng vào tương lai khi không dựa vào thực tế đã khiến bao kẻ điên rồ, hoang tưởng. Với Đức Phật một tấm thân kiều diễm hay một thân thể khiếm khuyết cũng đều được cấu tạo bởi tứ đại, ngũ uẩn, nếu phân chất ra người ta sẽ không bao giờ tìm ra được thực thể. Vậy thì hà cớ gì chúng ta cứ phải ".. khổ vì cố chen ngõ chật"
Đi tìm một hình bóng không có thật? Để rồi phải hứng chịu những vết thương lở lói do chính chúng ta tạo nên bởi lòng ích kỷ, bởi sự ghanh gét tị hiềm.. có cần thiết phải như vậy không khi ngoài kia cả một chân trời mới, với những sứ mạng cao cả đang chờ đón chúng ta!
Như một dấu chấm lửng, một khoảng lặng tiếc nuối bởi sự "Dại khờ" đến đáng thương, bài thơ khép lại một cách đột ngột và xoáy sâu vào lòng người đọc những suy tư triết học đầy thi vị. Nó như một lời nhắc nhở chúng ta trong mọi lúc, mọi nơi nếu chúng ta cương quyết giữ cho tinh thần không bị ràng buộc bởi những ham muốn vô lý là chúng ta đã có được Chánh kiến. Sự thấy biết đúng đắn này giúp chúng ta phá tan được mọi ham mê và ảo tưởng không bị rơi vào ngục tù của chính chúng ta. Không phải rơi vào những nỗi khổ mà
thi sĩ Xuân Diệu đã khắc họa qua bài thơ "Dại khờ" trên.
Chú thích:
[1]
Xuân Diệu (1916 – 1985) là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới, được mệnh danh là Ông hoàng thơ tình của Việt Nam. Thơ Ông đã diễn tả một cách chân thực mọi khía cạnh tâm lý, mọi cung bậc xúc cảm rất đời, rất người về cách yêu cách nghĩ cũng như về lẽ sống.
[2] Trích: Trung Bộ Kinh T. 1, bản dịch của HT. Thích Minh Châu.
[3] Kinh Thiện Sinh còn gọi là Kinh Giáo thọ Thi Ca la Việt (Singàlaka) hay Kinh lễ bái 6 phương, nằm trong Trường Bộ Kinh & Trường A Hàm Kinh trong đại tạng Kinh do HT. Thích Minh Châu chuyển dịch.
[4] Trích: Lời thơ trong bài "Tâm sự" của Tố Hữu. Tố Hữu tên thật Nguyễn Kim Thành (1920–2002) là một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam.
[5] Trích: "Truyện Kiều" - Nguyễn Du (1765–1820) tên tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Lạp Hộ, là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê, thơ Ông chính là tiếng lòng của con người trên cõi thế, là tiếng thở của muôn kiếp sinh linh.